[tintuc]
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án thứ cấp:
Cần gỡ khó cho nhà đầu tư
Thời gian qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có những giải pháp phát triển công nghiệp, tạo điều kiện cho các cụm công nghiệp (CCN) mới thành lập đi vào hoạt động. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, tiến độ thực hiện các dự án thứ cấp vẫn chưa như kỳ vọng.
Các dự án bắt đầu triển khai
Trong các CCN mới đầu tư hạ tầng, CCN Diên Phú -VCN (huyện Diên Khánh) có dự án đầu tư thứ cấp đi vào hoạt động sớm nhất. Ngay sau khi hoàn tất đầu tư hạ tầng giai đoạn 1 (9,8ha), dự án Nhà máy sản xuất tấm tường Acotec - VCN đã được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động. Các dự án thứ cấp đã đăng ký đầu tư khác cũng tiếp tục triển khai. Tại các CCN Trảng É (TP. Nha Trang và huyện Cam Lâm) với tổng diện tích 152,3ha, hiện đã thực hiện xong xây dựng hạ tầng CCN Trảng É 1
Trong số 8 nhà đầu tư với tổng trị giá hơn 920 tỷ đồng, có 3 chủ đầu tư tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất. Trong đó, quan trọng nhất là dự án di dời Nhà máy Thuốc lá Khatoco. Dự án này đã hoàn thành xây dựng cơ bản 1 xưởng sản xuất, 2 kho nguyên liệu, 1 kho vật tư cùng các hạng mục phụ trợ như đài nước, bể nước ngầm, trạm điện, nhà vệ sinh công cộng, nhà bảo vệ, cổng tường rào. Các hạng mục nhà văn phòng, nhà ăn, xưởng sản xuất 3, kho nguyên liệu 3, đường giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ tiếp tục được hoàn thiện. Đối với xưởng sản xuất đã xây dựng xong, chủ đầu tư đang tiến hành lắp đặt dây chuyền thiết bị sản xuất sợi thuốc lá. Dự kiến đầu tháng 9-2021 sẽ nghiệm thu và chạy thử nghiệm; đến hết tháng 12-2022 sẽ hoàn thành di dời toàn bộ Nhà máy Thuốc lá Khatoco vào CCN Trảng É 1.
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy sản xuất tấm tường Acotec - VCN.
Ông Phan Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và kinh doanh bất động sản Khatoco (chủ đầu tư CCN Trảng É) cho biết, các ngành nghề thu hút đầu tư vào CCN Trảng É gồm sản xuất thuốc lá, chế biến thực phẩm, dệt, may, in, bao bì, thủ công mỹ nghệ, cơ khí, kho hàng và ngành nghề khác thuộc các ngành công nghiệp sạch, không gây ô nhiễm, độc hại với môi trường… Việc các dự án thứ cấp sớm đi vào hoạt động sẽ tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động của TP. Nha Trang và huyện Cam Lâm. Đặc biệt, CCN sẽ là nơi đón đầu làn sóng đầu tư mới sau khi dịch Covid-19 được khống chế.
Vẫn còn vướng mắc
Theo chủ trương của tỉnh, công nghiệp sẽ được ưu tiên hàng đầu nhằm cân đối cơ cấu kinh tế và tăng thêm nguồn thu. Chính vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thứ cấp rất cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn tới tiến độ triển khai chưa đạt được như kỳ vọng.
Cụ thể, tại CCN Trảng É, công tác bồi thường giải tỏa CCN Trảng É 2 (giai đoạn 1) đang gặp nhiều khó khăn nên không thể triển khai hạ tầng đồng bộ. Ngoài ra, một số nhà đầu tư đã đăng ký vào CCN nhưng bị chậm cấp quyết định chủ trương đầu tư; công tác điều chỉnh quy hoạch của CCN chưa thực hiện xong. Điều này ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, CCN Trảng É 1 có vị trí tiếp giáp với đường Trảng É (đoạn từ Quốc lộ 1 đến giáp ranh xã Phước Đồng, TP. Nha Trang); mặc dù tuyến đường này đã có giá đất, được quy định tại bảng giá đất của tỉnh, song hiện nay vẫn chưa có quy định về giá đất cho các tuyến đường trong CCN. Vì vậy, khi thực hiện thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư thứ cấp, cơ quan thuế không thực hiện được vì chưa đủ cơ sở để xác định nghĩa vụ tài chính. Điều này gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư thứ cấp khi có nhu cầu vay vốn…
Đối với CCN Sông Cầu, tuy đã hoàn thành hạ tầng và đưa vào sử dụng từ tháng 10-2020 nhưng đến nay, các vấn đề về cấp phép xây dựng hạ tầng thứ cấp vẫn chưa được giải quyết. Tổng diện tích đất được các nhà đầu tư thứ cấp đăng ký thuê khoảng 20ha (đạt 73%) nhưng vẫn phải chờ, chưa thể nhận đất. Ông Nguyễn Anh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa (chủ đầu tư CCN Sông Cầu) cho biết, quá trình làm hồ sơ để được cấp phép xây dựng mất rất nhiều thời gian, phải điều chỉnh nhiều lần. Nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất nhưng vẫn phải đợi. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch kinh doanh của cả chủ đầu tư lẫn nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, những khó khăn vướng mắc của các CCN đã được UBND tỉnh và các sở, ngành tiến hành họp nhiều lần, đến nay cơ bản được giải quyết một phần. Để tháo gỡ những khó khăn còn lại, Sở Công Thương đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án thứ cấp, sớm hoàn thành hạ tầng để đi vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Đình Lâm
Theo Báo Khánh Hoà - link gốc
[/tintuc]