[tintuc]
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch Khu Kinh tế Vân Phong
VOV.VN - Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cam kết sẽ hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, trình thẩm định, phê duyệt trong tháng 6/2021.
Chiều nay (16/4), ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa chủ trì Hội nghị Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa nghe báo cáo tiến độ công tác điều chỉnh Quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Phong và Đề án cơ chế, chính sách phát triển Khu Kinh tế này.
Đây là lần thứ 2, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa nghe UBND tỉnh báo cáo tiến độ việc thực hiện đề án điều chỉnh Quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Phong và Đề án cơ chế, chính sách phát triển của Khu Kinh tế này. Theo đề xuất của các đơn vị tư vấn, Khu Kinh tế Vân Phong có tổng diện tích hơn 150 ngàn ha, trong đó, phần đất liền và đảo chiếm một nửa. Đơn vị tư vấn đề nghị bổ sung phần diện tích của xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh khoảng 3.500 ha và lấn biển khoảng 1.500 ha.
So với quy hoạch được phê duyệt năm 2014, đồ án điều chỉnh quy hoạch xác định mục tiêu xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trong đó trọng tâm là dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, công nghệ giải trí hiện đại có casino. Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cam kết sẽ hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, trình thẩm định, phê duyệt trong tháng 6/2021.
Ông
Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng,
tiến độ điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đã chậm
so với kế hoạch đề ra. Đồ án cần có tầm nhìn dài hạn nhưng phải có sự linh
động, tính mở để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực Vân
Phong. Ông Nguyễn Khắc Định đề nghị, các sở, ngành tỉnh Khánh Hòa sớm lập Tổ
công tác phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, lồng ghép quy hoạch
Khu Kinh tế Vân Phong vào quy hoạch chung của tỉnh Khánh Hòa.
Ông
Định nói: "Vấn đề cơ chế chính sách đặc thù nên đặt vấn đề đây là vùng có
tiềm năng, lợi thế hiếm có của đất nước nhưng hiện nay còn rất khó khăn, xa các
trung tâm, đường sá chưa có, dịch vụ chưa có, điện nước còn thiếu. Tiềm năng
chưa được khai thác, vì vậy, bây giờ muốn khai thác phải quan tâm đầu tư, phải
có cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy lợi thế, tiềm năng để đóng góp cho
tỉnh, cho vùng, đóng góp cho cả nước. Không nên đặt vấn đề có 19 Khu kinh tế,
khu nào cũng ưu ái rồi, khu này phải ưu ái hơn thì mới có nhà đầu tư đến, không
chấp nhận được"./.
Thái Bình/VOV-Miền Trung
Link gốc: [/tintuc]